Duy trì nguồn cảm hứng sáng tạo
Hôm nay chia sẻ với các bạn trường đại học kinh tế quốc dân Hà Nội ngành Marketing, Truyền Thông, tôi nhận được một câu hỏi khá hay, đại ý là trong quá trình phát triển ý tưởng cho các dự án, tôi có hay bị bí, hoặc mất cảm hứng và tôi thường làm gì trong những hoàn cảnh như vậy.
Tôi là một người thích làm việc có kế hoạch và chủ động công việc của mình mọi nơi mọi lúc, kể cả những khi phải đi tìm ý tưởng sáng tạo. Tôi đồng ý rằng khi có “hứng”, chúng ta dễ làm mọi thứ nhanh hơn, tốt hơn, sáng tạo hoặc hiệu quả hơn nhưng nếu sáng tạo là một công việc thì quan điểm của tôi là mình có thể sáng tạo bất cứ lúc nào mình cần hoặc được yêu cầu mà không phải đợi khi có hứng mới làm. Đây chỉ là nguyên tắc cá nhân của tôi. Để làm được việc đó thì tôi tự đúc kết ra được một vài tiêu chí sau. Nếu bạn nào có ý tưởng hay hơn thì chia sẻ với tôi nhé.
1. Luôn chủ động trong công việc sáng tạo của mình
Tôi không muốn đợi phải có hứng để sáng tạo. Tôi thường quy định lúc nào làm việc và khoảng thời gian mình dành cho một task nào đó và chủ động đề xuất thời gian bàn giao cho task đó. Việc siết chặt khoảng thời gian dành cho một công việc nào đó cũng giúp tôi tập trung hơn nhiều. Chủ động trong công việc cũng bao gồm chủ động trong việc nghỉ ngơi bạn nhé. Não mà hoạt động hết công suất thì cũng thấm mệt thôi.
2. Luôn sẵn sàng cho các ý tưởng
Mỗi ngày tôi sẽ dành một ít thời gian để tìm kiếm những gì người khác đã làm và lưu trữ lại nó. Đó có thể là hình ảnh, video hoặc một bài viết nào đó. Những ý tưởng nào hay mà tôi đọc được thì tôi sẽ cùng chia sẻ với đồng nghiệp của mình. Nhờ thói quen này mà trong lúc họp với khách hàng hoặc nhận brief, tôi có thể chia sẻ ngay những ý tưởng bất chợt để thảo luận nhanh với khách hàng.
3. Không có ý tưởng nào hoàn hảo ngay từ ban đầu
Tôi cho rằng các ý tưởng hay hoặc xuất sắc là cả một quá trình mài giũa. Tôi thấy nhiều bạn cố gắng có một ý tưởng trọn vẹn thì mới chia sẻ ra ngoài. Và cũng bởi vì sự trọn vẹn này mà có những vấn đề phát sinh như chậm trễ tiến độ công việc hoặc đôi khi ý tưởng mà bạn cho rằng nó hay chỉ là ý kiến chủ quan của các bạn khiến cho thời gian chờ đợi của cả team trở nên lãng phí. Tôi cho rằng có một ý tưởng là tốt rồi, sau đó chúng ta sẽ tiếp tục dùi mài ý tưởng đó, nếu thời gian cho phép.
4. Tìm người đồng hành
Nếu làm ý tưởng một mình khó quá thì bạn nên có người làm chung với mình. Việc có nhiều người tham gia vào quá trình sáng tạo sẽ giúp cho ý tưởng của chúng ta trọn vẹn hen. Chúng ta sẽ cùng đặt vấn đề, tranh cãi để ý tưởng của chúng ta trở nên thuyết phục. Dĩ nhiên chúng ta cần phải loại bỏ cái tôi của mình khi làm việc nhóm. Nếu tìm ý tưởng theo nhóm thì bạn có thể đọc thêm bài viết này của tôi, đi tìm ý tưởng theo nhóm
Gần đây khi cùng Ninh để brainstorm cho câu chuyện của chúng tôi. Tôi nhận thấy tôi là người rất nhạy và nhanh để nghĩ ra ý tưởng. Khi có một tín hiệu gì đấy là tôi có thể nghĩ ra ý tưởng ngay hoặc đặt ra một giả thiết mới. Ninh thì không nghĩ được nhanh như tôi nhưng bạn rất giỏi về cấu trúc, xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau cũng như đặt ra các vấn đề liên quan đến ý tưởng đó. Có thể xem bạn như là người giúp định hướng các ý tưởng của tôi và giúp tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về các ý tưởng. Trong quá trình phát triển ý tưởng chúng tôi sẽ tranh cãi, thuyết phục, hoài nghi. Cứ thế chúng tôi vừa làm vừa đập đến khi chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi câu chuyện của mình.
5. Công cụ
Công cụ brainstorm cũng rất quan trọng. Tôi thích làm việc với một cái bảng trắng to thật to để tôi có thể vẽ trên đó. Khi mọi thứ hiện rõ trước mắt, tôi suy nghĩ nhanh hơn và hiệu quả hơn. Các bạn cũng có thể tìm kiếm các công cụ phù hợp với mình. Theo tôi thì lựa chọn công cụ truyền thống hoặc hiện đại không quan trọng, miễn sao giúp cho các bạn thoải mái khi làm việc.
6. Chủ động tìm ý tưởng
Cái này sẽ hơi khác ý 2 một chút. Thay vì đợi có tasks thì tôi sẽ chủ động đi tìm ý tưởng mới luôn, và nó chẳng cần liên quan đến công việc hiện tại của mình. Khi có một điều gì đó thú vị thì tôi sẽ ghi lại. Tôi thấy để suy nghĩ sáng tạo thì cũng cần làm bài tập, càng tập luyện nhiều thì chúng ta sẽ nhạy hơn. Còn ý tưởng có hay không thì là một vấn đề khác.
Chúc các bạn không bị bí khi làm công việc sáng tạo nữa nhé.