Chuyện Feedback, góp ý
*** Trong bài tôi dùng từ bạn thiết kế hay bạn designer cho gọn, đây có thể là bất kỳ ai tiếp nhận các góp ý (feedback) hen
Một trường hợp kinh điển tại Flyer khi bạn quản lý cầu cứu tôi góp ý cho team vì bạn thấy bạn designer kia làm “không được đẹp”. Thú thật là khi tôi nhìn qua thì cũng khó đánh giá là đẹp hay xấu, vì góc độ thẩm mỹ của mỗi người khác nhau. Tôi bảo bạn quản lý rằng không nên góp ý như vậy vì nó không có tính xây dựng.
Có đợt một khách hàng nọ cũng nhắn tôi gửi các hình ảnh tham khảo phù hợp với dự án của họ. Sau khi tôi tìm và gửi nhiều phương án qua thì chị không ưng lắm và nhắn tôi tìm thêm. Tôi bảo chị tự tìm luôn. Vài ngày sau thì chị cũng đã tìm được phong cách yêu thích mình muốn. Nó có phần nào khác xa với những tưởng tượng ban đầu của tôi hoặc ngay cả với chị. Tuy nhiên là bây giờ tôi biết chị muốn gì và sau đó chúng tôi thương thảo lại chi phí và thời gian. Hiện chúng tôi vẫn chưa làm gì cả, nhưng qua một vài sự kiện thì tôi phần nào hiểu được mong muốn và tính cách của khách hàng. Thông thường đây cũng là những yếu tố giúp tôi đưa ra quyết định có hợp tác hay không.
Nếu một dự án mà tôi cảm thấy team sẽ phải suffer nhiều, thì tôi thường sẽ từ chối.
Gần đây khi hợp tác với một vài bạn thiết kế mới hay freelance tôi cũng thỉnh thoảng rơi vào tình trạng “bỏ” dự án giữa chừng vì các bạn không làm ra được cái tôi muốn dù sau nhiều vòng góp ý từ tôi. Dễ hiểu hơn là chúng tôi không hiểu nhau. Có thể là do trình độ khác nhau hoặc cũng có thể là khoảng cách về kinh nghiệm lẫn kiến thức. Giờ tôi cũng dễ hơn hồi xưa, nếu thấy khó quá hoặc không thoải mái để hợp tác thì chia tay sớm bớt đau khổ. Còn với những bạn đã làm lâu năm, và tôi hiểu được năng lực của các bạn, tôi sẽ ráng góp ý, điều chỉnh để các bạn có thể làm ra được thành phẩm một cách trọn vẹn, chỉn chu. Tôi vẫn thường thúc đẩy team mình như thế.
Thành là một trường hợp điển hình trong đội ngũ làm phim hoạt hình của tôi. Đôi khi tôi cũng dễ cáu hoặc mất kiên nhẫn với bạn. Nhưng rồi bạn vẫn nỗ lực, chịu khó cải thiện. Tôi thường phân tầng các lớp kiến thức và điều chỉnh mindset của bạn khi đối diện với những dự án khó. Bạn luôn không hiểu ý tôi, nhưng sau vài tháng thì mọi chuyện cũng thay đổi. Tôi thường cố gắng góp ý một cách có hệ thống và giúp bạn hiểu và biết cách phân tích khi thực hiện một đọan hiệu ứng trong phim. Chúng ta thường dễ bị rối không biết bắt đầu từ đâu khi đối diện một dự án khó hoặc khi chúng ta chưa làm bao giờ. Những lúc này chúng ta hãy phân tích từng vấn đề 1 và xử lý từng thứ 1 trước. Nói thì dễ hơn làm đó các bạn. Tôi cũng hay vậy thôi.
Giờ quay lại vận đề chính là chuyện feedbacks. Tôi vẫn có những tiêu chuẩn đẹp xấu của mình, nhưng thông thường khi góp ý cho team thì tôi sẽ dựa vào một danh sách những tiêu chí. Dĩ nhiên là tôi cũng đã rút ra được nhiều bài học cho riêng mình trong quá khứ để có thể chia sẻ những điều này.
1. Đừng góp ý dựa trên quan điểm thẩm mỹ cá nhân
Mỗi người sẽ có những quan điểm về thẩm mỹ khác nhau. Nếu lấy ý kiến cá nhân của mình để góp ý thì rất dễ gây ra những hiểu lầm không đáng có. Nhất là khi các bạn không cùng chung tiếng nói với nhau. Thay vào đó bạn nên xây dựng một bộ tiêu chí riêng biệt khi góp ý.
2. Sử dụng từ ngữ rõ ràng dễ hiểu
Những từ ngữ chung chung, trừu tượng dễ gây hiểu làm hay không rõ ý sẽ chỉ làm mất thời gian của cả hai bên. Tránh dùng những từ như “không đẹp”, “chưa ổn” rồi “quay lưng” đi, để mặc bạn thiết kế bơ vơ. Hãy nhớ là chúng ta không làm văn. Tôi cực kỳ không thích mỗi khi đối tác của tôi nhắn nhủ “we need more love for this”.
3. Đưa ra giải pháp
Nếu bạn thấy không “ổn” thì bạn nên chỉ ra là “không ổn” chỗ nào và nếu bạn có ý tưởng, giải pháp gì để làm cho nó “ổn hơn” thì cực tốt. Nếu không có chuyên môn thì bạn cần phải biết cách bày tỏ lo lắng của mình ra ngoài. Đôi khi tôi vẫn sẽ nói rằng “Anh thấy không ổn lắm nhưng anh chưa biết cách góp ý thế nào, để anh suy nghĩ…”
4. Chia sẻ lý do
Giải thích lý do có các feedbacks này cũng sẽ giúp cho bạn thiết kế hiểu vấn đề, từ đó phần nào giúp cho tâm trạng của bạn thiết kế thoải mái hơn, hoặc có thể đề xuất tốt những phương án tốt hơn. Có những góp ý tôi sẽ đưa ra chỉ thị luôn, nhưng cũng có lúc tôi sẽ giải thích để các bạn hiểu và có những đề xuất riêng biệt. Nhất là khi các bạn chỉ đang ở trong giai đoạn tìm ý tưởng.
5. Có hình/video/ref tham khảo
Có một cái gì đó để bám víu khi góp ý là một việc tốt. Đôi khi là một hình ảnh, một đoạn video hay hình ảnh bạn tự chụp ở đâu đó. Nếu bạn biết phác thảo hay có cách để truyền đạt thì quá tốt. Tôi thường vào pinterest để tìm hình tham khảo. Không hiểu sao tôi lúc nào cũng tìm được “bí kíp” của mình trong đó.
6. Không có “em nghĩ” hay “em tưởng”
Đây là một vấn đề hết sức nguy hiểm của việc không hiểu ý nhau. Khi tiếp nhận góp ý cũng như khi góp ý, bạn phải chắc chắn bạn thiết kế hiểu ý của mình. Cách tôi hay làm là nhắn bạn thiết kế trình bày lại cách bạn sẽ xử lý hay thực hiện các góp ý.
7. Consolidate Feedbacks
Nếu có thể, bạn nên tổng hợp tất cả các góp ý lại vào một file doc hay excel. Cố gắng cụ thể mọi góp ý trên đó. Như vậy việc kiểm tra, quản lý góp ý cũng dễ dàng hơn.
8. Tôn trọng, thẳng thắn, thật thà
Tôn trọng thời gian của nhau cũng như thẳng thắn chia sẻ góc nhìn của mình sẽ giúp hai bên thấu hiểu nhau hơn.
9. Luôn đặt câu hỏi
Điều này vô cùng quan trọng vì chúng ta dễ hiểu lầm ý kiến của nhau, hoặc rơi vào điểm số 6. Hãy hỏi bất cứ khi nào bạn có nghi ngờ, không chắc chắn.
10. Kiểm tra feedbacks
Nhiều bạn sẽ có thói quen làm tới đâu kiểm tra tới đó hoặc bận quá không kiểm tra liền. Sau đó khi làm việc thì bị thiếu file, không rõ feedbacks và nhiều lý do khác. Việc này vô cùng nguy hiểm khi deadline cận kề và bạn sẽ trở nên thiếu chuyên nghiệp trong mắt khách hàng.
11. Thứ tự ưu tiên
Ưu tiên phân chia, nhóm các góp ý lại với nhau. Những cái nào quan trọng có thể sửa trước. Những cái nào linh tinh, nhỏ nhặt hoặc không chắc chắn có thể để sau.
12. Xây dựng các tiêu chí
Tôi gợi ý như sau nhé và các bạn cứ bổ sung thêm tùy lĩnh vực hoặc tính chất công việc của mình. Bảng tiêu chí nên được chuẩn bị ngay khi bắt đầu dự án, chứ không phải sau khi nhận feedbacks nha. Thông thường các tiêu chí sẽ được xây dựng trên các tài liệu sau:
Creative Brief: Một bản brief được thống nhất giữa nội bộ và khách hàng cô đọng các thông tin quan trọng và yêu cầu của dự án.
Moodboard: Bảng đề xuất định hướng hình ảnh ban đầu mang tính chất tham khảo cho dự án.
Brand Guideline: Mỗi thương hiệu đều sẽ có một tài liệu quy tắc cách sử dụng hình ảnh thương hiệu bao gồm bảng màu, typography, logo, hình ảnh…
Các thông tin quan trọng khác bao gồm:
Đối tượng khán giả.
Sản phẩm cuối cùng sẽ được sủ dụng như thế nào.
Đây chỉ là một vài gợi ý. Chúc các bạn có khoảng thời gian góp ý vui vẻ. Phần tới tôi sẽ chia sẻ cách đánh giá một thiết kế nếu bạn là một marketer hoặc một người ngoài ngành hen. Sau đó tôi cũng sẽ viết về chủ đề làm sao để lấy, tổng hợp được feedbacks từ phía khách hàng cho team.
Vui một tí. Đồng nghiệp của tôi gửi lại một đoạn feedbacks tôi từng góp ý cho team của mình. Các bạn đọc hiểu gì không?
Đây là thành quả của feedbacks đó :D