Bạn không cần phải là sếp để có “quyền”

Một câu chuyện thú vị tại Flyer, hành trình mới của tôi. Nếu các bạn chưa biết Flyer thì có thể xem lại bài viết đầu tiên của tôi ở đây nè.

Vũ là một trong những thành viên của team tôi. Có đợt tôi khá bực mình với Vũ trong công tác quản lý đội freelancer của bạn. Tôi có hỏi rằng bạn thường làm gì khi freelancer gửi tranh trễ.

“Em chỉ giục thôi” là câu trả lời của Vũ. Khi tôi gặng hỏi về việc tại sao không hỏi các bạn cụ thể hơn về giờ giấc bàn giao cũng như trách nhiệm của các bạn thì Vũ cho rằng “em không có cái quyền”.

“Vậy em nghĩ nếu em là giám đốc thì em bảo gì mọi người cũng sẽ nghe theo em hay sao!!!!”

Tôi đáp lại với một giọng điệu chắc nịch.

Tôi cho rằng, khi làm việc, mọi người đều phải ý thức rõ ràng trách nhiệm và công việc của mình. Vũ cần đưa deadline cho các bạn và nếu các bạn thấy mình không thể đáp ứng được ngay thì nên lên tiếng. Còn nếu “im im…” thì các bạn cần hoàn thành đúng hạn. Kể cả tôi có là sếp Vũ thì nếu công việc của Vũ cần tôi duyệt sớm để không ảnh hưởng tới tiến độ chung của tất cả mọi người, thì bạn có quyền yêu cầu tôi phải ưu tiên xem task cho bạn. Đó mới là làm việc, và làm việc nhóm.

Tôi luôn cho rằng việc phân chia vai trò trong công ty không phải là để xem ai là sếp của ai, hay quyền hạn ai cao hơn mà quan trọng là để cụ thể hóa vai trò và trách nhiệm của từng người. Vai trò càng lớn, trách nhiệm càng cao.

Tôi khá tâm đắc một câu nói mà Dương, từng là nhà đồng sáng lập của Red Cat Motion nói với tôi. Đại khái là nếu có một vấn đề xảy ra thì việc đầu tiên là “em sẽ xem bản thân mình có làm gì chưa đúng trước.”

Vài năm trước khi đang kiểm tra công việc của một bạn vừa vào team, tôi phát hiện rằng bạn làm không đúng yêu cầu của mình. Nó cũng không có gì nghiêm trọng lắm, cho tới khi bạn bắt đầu “đổ thừa” bạn này bạn kia… Tôi ngay lập tức la bạn và cúp máy. Lúc đó tôi nóng tính thật sự và phải mất vài phút để hạ nhiệt.

Tôi nhắn lại cho bạn rằng, nếu có vấn đề thì bạn chỉ việc nói là “để em xem lại”, thay vì đổ thừa người này người kia. Vì công việc luôn là teamwork, nếu có vấn đề gì thì cả team cùng chịu trách nhiệm. Văn hóa “không bao giờ đổ thừa cho nhau” trở thành kim chỉ nam trong công việc của tôi.

Lời khuyên cho các bạn trẻ là hãy cứ chủ động trong công việc của mình và nếu có vấn đề gì, bạn không cần xin lỗi nhưng thay vì vội vàng phản ứng thì câu nói “đế em xem lại” có thể chữa cháy mọi thứ.

Previous
Previous

Tôi là một người lười, và có tư duy lười…

Next
Next

Tôi chưa bỏ cuộc