Khát vọng Animation (P1)
~ Animation ~ Dream
~ Animation ~ Dream
Tại sao lại làm Animation?
Nếu ai hỏi tôi như vậy thì tôi sẽ trả lời “vì đó là thế mạnh và đam mê của em”. Nhưng hành trình đến với đam mê Animation của tôi thì có lúc lên và có lúc xuống.
Cũng như bao đứa trẻ khác, tôi thích hoạt hình từ bé. Cứ mỗi khi rảnh là tôi sẽ xin ba ra tiệm thuê băng đĩa để mướn những cuốn băng hoạt hình. Nếu không còn gì để xem thì tôi sẽ vẽ lại các nhân vật tôi thích. Mẹ tôi hay càm ràm “suốt ngày xem ba cái phim đánh đấm”, nhưng lại chẳng cấm tôi xem bao giờ. Cứ thế tôi lớn lên với phim hoạt hình và từng mơ ước được sang nước ngoài đi học, và tự làm ra phim hoạt hình của mình. Ước mơ mà, miễn phí nên tôi cứ thế mà mơ thôi. Tuy nhiên cũng có thời điểm tôi bảo “chẳng muốn làm Animation, vì cực quá”.
Ghét của nào trời trao của đấy, tôi làm Animation.
Ngay từ hồi đi học là tôi đã luôn muốn làm những điều khác thường rồi. Tôi tự đặt ra cho mình những chỉ tiêu thật khó, và đôi khi cũng hơi tào lao. Ví dụ như hồi tôi đi học ở FPT Arena, lớp buổi tối có những anh chị rất giỏi. Những anh chị đã đi làm trong các công ty quảng cáo, in ấn... nên họ có nhiều kiến thức, kỹ năng hơn một thằng nhóc 15-16 tuổi như tôi. Có lần một anh tên Huy khoe hình digital painting vừa vẽ xong trước giờ học. Ai cũng tấm tắc khen. Người thì tròn xoe mắt. Người thì tán dương. Tôi cũng xem và khoái lắm. Tôi nhớ là mình có hỏi anh vài câu gì đó liên quan tới bức hình. Sau hôm đó tôi cũng đi ghé mấy tiệm đĩa lậu tìm mua mấy cái tutorial dạy digital painting về học. Tôi nhớ là ngày nào cũng dành 3-4 tiếng ngồi vẽ. Hồi đó tôi không có bảng vẽ nên chỉ vẽ bằng con chuột thôi. Sau 1 tuần thì tôi cũng xong tác phẩm chân dung digital painting đầu tiên. Việc tôi làm là đến lớp thật sớm, mở hình trên máy tính rồi để yên vậy đó. Mọi người vào thấy rồi khen, tấm tắc xong hỏi ai vẽ… Tôi cứ bảo không biết, “em vào đã thấy rồi”. Tôi hả hê lắm. Haha tuổi trẻ thật “trâu” và hiếu thắng.
Cứ như vậy tôi luôn “hơn thua” khi đi học. Ai làm được cái gì tôi sẽ ráng làm được cái đó, mà phải hơn tôi mới chịu. Tôi luôn cố gắng làm cái gì đó khác thường. Ví dụ như lúc học lớp làm game, thầy chỉ làm flat, phẳng thôi, nhân vật chỉ cần di chuyển từ trái sang phải. Tôi không chịu, đòi làm isometric (người ta hay gọi 2,5D), nhân vật đi chéo chéo. Kết quả là nó “khó như chó”. Chính xác là tôi đã thốt lên như thế. Những đêm mày mò cách lập trình game không ra tôi còn tự chửi mình sao bày ra làm gì cho mệt. Dĩ nhiên tôi có thể đổi đề tài nhưng không, đổi thì “nhụt lắm”, tôi phải làm cho ra. Kết quả thì tôi vẫn làm ra thôi sau nhiều đêm mất ngủ, tìm kiếm các kiến thức từ nhiều cao nhân và cả ông thầy của mình.
Cũng vì tính cách này mà tôi dù thề không muốn làm animation thì vẫn làm đấy thôi, vì tôi muốn sản phẩm mình phải độc đáo hơn. Ví dụ như trong bài tập lipsync (tôi phải chọn một câu thoại rồi làm cho miệng nhân vật được vẽ trên máy tính nhép theo cho khớp), tôi vẽ con bạch tuộc, làm cho nó vẫy những cái xúc tu, bơi bơi, có cảm xúc, rồi có mấy cái chai lọ rơi vô đầu cho nó u lên, rồi nó tức giận, đủ kiểu… Không chỉ thế, tôi làm cho môi trường nước có những cái bong bóng nước, rồi đủ thứ màu mè khác cho mọi người lác mắt. Hình bên dưới là một số bài tập thời còn đi học của tôi.
Cũng vì tính cách này mà thời điểm 2010 tôi có cơ duyên làm một cái Explainer Animation đầu tiên. Explainer Animation là video giới thiệu dịch vụ/sản phẩm bằng Animation trong khoảng từ 60-90s. Thời đó tôi chưa biết Explainer Animation là gì đâu. Lúc đó lớp tôi có môn học Individual Project, là môn tự nghĩ ra một dự án cá nhân của riêng mình, giống như là tự xây dựng portfolio vậy đó. Đồng thời tôi cũng đang làm part time ở một công ty SEO. Công việc của tôi là Graphic Design nhưng mạnh dạn đề xuất với sếp rằng sao không làm video giới thiệu về sản phẩm mới của công ty. Thế là tôi vừa làm sản phẩm Explainer Animation thực tế cho công ty, vừa có bài nộp cho trường. Dưới đây là thành quả của tôi. Nhìn lại thì hơi ẹ, nhưng tôi tự hào là mình làm mọi thứ từ A đến Z. Do sản phẩm đã lâu nên chất lượng hơi kém. Hiện công ty này cũng không còn hoạt động.
Còn tiếp…